Câu chuyện “Cá bức sông Mekong”
“Cá bức sông Mekong” là truyện dân gian Lào, khuyên chúng ta không được lơ là mọi việc, từ đó giải thích vì sao cá bức chỉ có ở sông Mekong.
Ngày xưa, sông Mekong [1] từ phía bắc đang chảy xuôi về tỉnh Xiengkhuang [2], thì gặp con sông Ping bé nhỏ cũng đang cặm cụi chảy về xuôi.
Thấy sông Ping, sông Mekong cười khinh bỉ:
– Này, anh bé nhỏ thế này thì anh chảy được đến đâu?
Sông Ping đáp:
– Tôi tuy bé nhỏ nhưng tôi rất khỏe. Tôi có thể chảy cong queo bất cứ chỗ nào. Còn bác, tuy to nhưng lại kềnh càng, muốn chảy đi đường nào cũng vướng víu, chậm chạp.
Nói rồi, sông Ping lại chỉ về ngọn núi Louangphabang [3] và nói:
– Nếu bác giỏi, bác hãy chảy thi với tôi xem ai ra đến biển trước. Ở biển có loài cá bức [4] rất to. Nếu ai ra đến biển trước thì cá bức sẽ thuộc về người đó.
Sông Mekong nhận lời chạy thi. Khi bắt đầu cuộc thi, sông Mekong tự thấy mình to kềnh càng, lại phải vượt qua những rặng núi đá vừa rộng vừa dài nên sông Mekong không dám lơ là. Sông kiên nhẫn chảy về hướng đồng rồi vòng sang hướng nam, chảy luồn qua các dãy núi một cách nhanh chóng.
Còn sông Ping cũng vội vàng chảy qua núi Phi Pan Nam [5], rồi chảy gấp về hướng nam để mong giành phần thắng. Trên đường ra biển, sông Ping gặp con sông Wang. Hai con sông vừa chảy vừa tâm sự. Ra đến tỉnh Nakhon Sawan [6], lại gặp hai con sông khác là sông Yom và sông Nan. Cả bốn nhập lại, vừa chảy vừa kể cho nhau nghe về việc đánh cuộc với sông Mekong. Sông Yom và sông Nan nói:
– Từ đây xuống biển, không có núi rừng nữa, chúng mình chẳng cần phải vội vàng. Anh chàng Mekong kia còn vất vả lắm mới vượt qua được mấy ngọn núi kia.
Vì vậy, cả bốn con sông cứ vừa chảy vừa nhởn nhơ. Chúng loanh quanh ngách này ngách khác, có khi lại phải chờ nhau để cùng đi một thể.
Cùng lúc đó thì sông Mekong ào ào vượt qua các rặng núi, tạo nên những cái thác lớn để thúc dòng nước chảy cho được nhanh hơn..
Thấy Mekong lao đi băng băng như vậy, cả bốn con sông Ping, Wang, Yom, Nan mới hoảng hốt. Chúng cùng nhau hợp lại thành con sông lớn (tức là sông Chao Phraya [7] hiện nay), rồi vội vàng dồn sức ra biển. Nhưng không sao kịp được nữa. Sông Mekong đã tới đích trước rồi.
Sông Ping và các sông kia thua cuộc. Thực hiện đúng lời cam kết, loài cá bức đua nhau bơi vào sông Mekong. Vì vậy, ngày nay chỉ có sông Mekong là sông duy nhất có cá bức, còn các con sông khác, kể cả biển cũng hoàn toàn không có loài cá này.
Chú thích trong câu chuyện “Cá bức sông Mekong”
- Sông Mekong: Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất và dài nhất châu Á, bắt nguồn từ dãy núi Himalaya. Sông Mekong đi qua sáu quốc gia chính trên quãng đường dài của nó lần lượt là: Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, sông Mekong thường được biết đến với tên gọi là sông Cửu Long.
- Xiengkhuang: tên một tỉnh nằm ở miền trung nước Lào.
- Louangphabang: tên một tỉnh nằm ở miền bắc nước Lào.
- Các bức: tên một loại cá chỉ có ở sông Mekong.
- Phi Pan Nam: tên một dãy núi ở miền bắc Thái Lan. Dãy núi Phi Pan Nam có cảnh quan tuyệt đẹp và là một điểm đến du lịch phổ biến cho những người yêu thích phượt, leo núi và khám phá thiên nhiên.
- Nakhon Sawan: một tỉnh miền Bắc của Thái Lan.
- Sông Chao Phraya: Sông Chao Phraya bắt nguồn từ dãy núi nằm ở miền bắc Thái Lan, gần biên giới với Myanma. Nguồn chính của sông Chao Phraya là sông Ping, sông Wang, sông Yom và sông Nan. Các sông này hợp nhất gần thành phố Nakhon Sawan, tạo thành sông Chao Phraya.
Câu chuyện “Cá bức sông Mekong”
– Truyện cổ dân gian Lào –
Nguồn: Văn 7, tập 2, trang 56-57, NXB Giáo dục – 1987
Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới chọn lọc
Ngoài câu chuyện dân gian “Cá bức sông Mekong” của Lào kể trên, TruyenDanGian.Com còn giới thiệu đến các bạn những câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới hấp dẫn được sưu tầm và chọn lọc kỹ lưỡng. Qua đó giúp các bạn nhỏ rút ra được những bài học ý nghĩa cho bản thân cũng như có những giờ phút thư giãn thú vị khi được hòa mình trong thế giới của các câu chuyện cổ tích.