Câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ (Truyện cổ tích Việt Nam)

Câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ

Câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ cho thấy những kiến thức có được ở đời sống thực tế cũng quý giá không kém gì các kiến thức học trong sách vở.

“Học đi đôi với hành”
– Tục ngữ Việt Nam –

Thời Lê, dưới chân núi Hồng Lĩnh, có một người nghèo khổ, hồi nhỏ cũng học được dăm ba chữ đủ kí tên vào tờ khế vay nợ, bán ruộng bán nhà. Lớn lên, anh ta chăn bò cho xóm làng, sáng đánh bò vào núi, chiều lại đánh bò về, bò nhà ai trả nhà nấy. Cứ thế qua ngày này tháng khác. Lúc bò gặm cỏ, anh ta lội xuống suối bắt lươn về ăn.

Trong làng nhiều người chữ nghĩa chẳng bằng anh ta, nhưng ra lính ít lâu, trở về được suất cai, suất đội, ăn trên ngồi trốc. Thấy thế, anh ta bỏ đàn bò, trẩy kinh, tìm nơi nương tựa.

Bấy giờ ở kinh đô người ta đang bàn tán về một vụ án giết chồng, người đàn bà sắp bị đem ra pháo trường chịu tội vôi giày ngựa xe. Số là chồng chị ta đi lính lâu ngày về thăm nhà, chị ta ra chợ mua mấy con lươn nấu cháo tẩm bổ cho chồng. Không ngờ, ăn xong, chồng lăn đùng ra chết. Làng nước trói chị ta lại, giải quan. Quan tra hỏi, chị ta kêu oan. Quan không nghe, nghi chị ta có ngoại tình, lập tâm giết chồng để lấy người khác. Thế là cứ luật gia hình (1).

Nghe chuyện, anh kia vội vã tìm đến cửa quan xin vào, nói rằng mình có thể giải oan (2) cho người đàn bà vô tội. Lính thấy anh ta quê mùa, đuổi ra. Anh ta nằn nì mãi. Chúng vào bẩm quan. Quan cho vào. Anh ta thưa:

– Chuyện chị ta giết chồng thì đã rành rành, không còn chối cãi được nữa. Nhưng chị ta có định bụng giết chồng hay không, thì xin quan xét lại. Bây giờ xin quan tạm hoãn thì hành án cho tôi một hôm. Nội ngày mai, tôi sẽ xin vào trình bày mọi lẽ.

Quan rất đỗi ngạc nhiên, hỏi mãi anh ta vẫn nói thế. Cuối cùng không muốn giết oan một mạng người, quan đành phải bằng lòng. Anh ta về, ra chợ mua một rổ lươn, bỏ vào giỏ, hôm sau xách vào cửa quan. Trước mặt quan, anh ta đổ giỏ ra, lươn bò khắp nhà rồi chọn một con, bắt lấy, làm thịt nấu cháo đưa cho chó ăn. Chó chết lăn quay. Bấy giờ anh ta mới nói:

– Lúc ở quê nhà, con thường bắt lươn kiếm ăn nên con biết, lươn bò bao giờ cũng chúi đầu xuống, chỉ con hoàng xà (3), hình thù giống lươn, nhưng là rắn độc, khò bò mới ngóc đầu lên, mắt nhìn thao láo. Chị kia không biết, mua nhầm.

Quan sáng mắt, liền tâu vua xin cải án (4), tha bổng người đàn bà kia. Buổi ấy, mới bắt đầu dựng nước, nhà vua đang cầu người hiền, không những giỏi nghãi lí văn chương mà còn từng trải việc đời, sát thực tế, bèn cho anh ta giữ chức ngự sử (5). Đó là ông Bùi Cầm Hổ.

Câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ
Trương Chính kể

Chú giải trong câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ

  1. Cứ gia luật hình: theo pháp luật mà trị tội.
  2. Giải oan: làm rõ nỗi oan ức.
  3. Hoàng xà: một loại rắn độc, da màu vàng.
  4. Cải án: (từ cũ) thay án đã xét.
  5. Ngự sử: chức quan giữ việc can gián nhà vua.

Câu hỏi thử thách

  1. Ngày xưa, ông Bùi Cầm Hổ là người như thế nào? Học hành, làm ăn ra sao?
  2. Khi đến kinh đô, ông nghe được chuyện gì và đã làm những gì? Kết quả ra sao?
  3. Ông được nhà vua phong chức quan gì? Vì sao?
Truyện cổ tích
Truyện cổ tích

Truyện cổ tích Việt Nam và thế giới chọn lọc

Ngoài câu chuyện về ông Bùi Cầm Hổ kể trên, TruyenDanGian.Com còn giới thiệu đến các bạn những câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới hấp dẫn được sưu tầm và chọn lọc kỹ lưỡng. Qua đó giúp các bạn nhỏ rút ra được những bài học ý nghĩa cho bản thân cũng như có những giờ phút thư giãn thú vị khi được hòa mình trong thế giới của các câu chuyện cổ tích.

Viết một bình luận