Câu chuyện Đeo chuông cho mèo
Đeo chuông cho mèo là câu chuyện giễu cợt những ý nghĩ viển vông, từ đó khuyên nhủ chúng ta luôn cân nhắc đến điều kiện và khả năng thực hiện công việc.
Tác giả dân gian đã chọn tình huống hay, tiêu biểu. Miêu tả sinh động, sâu sắc cảnh họp làng chuột và tường loại chuột (ám chỉ từng loại người trong xã hội cũ). Nhờ đó, bài học tron câu chuyện được rút ra một cách tự nhiên mà thấm thía.
Thành ngữ: Đeo nhạc cho mèo, Đeo chuông cho mèo hay Treo chuông cổ mèo có nguồn gốc từ câu chuyện ngụ ngôn này ra.
1. Sáng kiến của ông Cống
Tự bao giờ đến giờ, mèo cứ xơi chuột luôn mãi, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi.
Nhung, con giun xéo lắm cũng quằn [1], chuột ta lấy thế làm giận. Một hôm, mới hội [2] nhau lại làm một làng chuột, để chống giữ với mèo. Thôi thật đủ khắp mặt: mào anh Chù, mùi hôi đến nỗi thành câu cai [3], nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã nêu câu ví [4], nào ông Cống, rung rinh béo tốt, quan trường lại chấm cho ở trên ông Đồ [5]…
Khi làng dài răng [6] đã tề tựu [7] đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng rằng:
– Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ ta nên mua một cái chuông [8] buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng chuông kêu, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.
Cả làng chuột nghe nói, dẩu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái câu chí lí [9] của ông Cống và đồng thanh ưng thuận.
2. Tìm người đeo chuông cho mèo
Khi chuông đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát được cái ách ông Miu ranh mãnh rồi.
Nhưng kịp lúc hội đồng hỏi ai dám đeo chuông cho mèo, thì thấy cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả.
Không biết cử ai vào việc đại sự ấy, bất đắc dĩ [10] làng cắt ông Cống phải đi, vì chính ông Cống đã xướng lên cái thuyết đeo chuông cho mèo vậy.
Ấy mới khốn! Nhưng Cống ta trong lòng tuy nao [11], mà ngoài mặt làm ra bộ bệ vệ kẻ cả, nói rằng:
– Tôi đây, chẳng gì nhờ tổ ấm [12] cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trước trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được! Trong làng ta nào có thiếu chi người! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhảu chắc làm được việc.
Ấy mới hay! Nhưng Nhắt ta trở mặt láu, cãi lí rằng:
– Làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi, phải; tôi đây không đi, cũng phải. Để xin cắt anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc.
Ấy mới không có gì lạ! Chù ta thật thà, không biết cãi sao, ụt ịt nói rằng :
– Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà đeo chuông cho mèo được nữa.
Chuột Cống nhanh miệng bảo:
– Mèo nó có vờn là vờn chúng tao, vờn cái anh Nhắt kia, chớ chú mày hôi hám như thế, thì nó bắt mà thèm vào. Thôi cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa.
3. Cái kết trong truyện Đeo lục lạc cho mèo
Chuột Chù ì ạch phải nhận, mang chuông ra đi tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệ làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật [13]. Song mèo cũng nhe nanh, giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy khốn chạy khổ về báo cho làng hay.
Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái chuông, nó bon đi đâu, và bon tự bao giờ không biết.
Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.
Câu chuyện Đeo chuông cho mèo
Nguồn: Văn học 6, tập 2, trang 30, NXB Giáo dục – 2001
Chú giải trong truyện Đeo chuông cho mèo
[1] Con gin xéo lắm cũng quằn: tục ngữ, ý nói: kẻ dù sức yếu phận hèn đến đâu, nếu bị đè nén quá lắm, sẽ có lúc vùng dậy chống trả.
[2] Hội: họp.
[3] Hôi như chuột chù.
[4] Nhí nhắt như chuột nhắt (nhí nhắt hoặc nhí nhách: ăn luôn miệng).
[5] Ông Cống… ông Đồ: tương truyền những năm có khoa thi, chuột thường hay vào lục mõm những quyển thi, gặm nát cả. Quan trường sợ có tội, nên phải kiêng tên nó, không dám gọi, mà lại còn tặng cho nó một cái đỗ ngoại ngạch (ý nói đồ ngoài sổ), tâng nó lên bậc ông Cống (củ nhân).
[6] Làng dài răng: Ta xưa đã biết rằng răng chuột cứ mỗi ngày một dài, nên khi trẻ thay răng, thường vẫn có câu: “Chuột chuột chí chí, răng cũ trả mày, răng mới trả tao”.
[7] Tề tựu: vốn nghĩa là: họp nhau lại; ở đây ý nói: cùng có mặt.
[8] Chuông: (lục lạc) đồ đúc hình cầu, rỗng ruộng, bên trong có bỏ hột đồng, rung đồng thì kêu. Thường đeo ở cổ ngựa, ngựa chạy, nhạc rung, báo cho người ta tránh, mà nghe vui tai.
[9] Chí lí: cái lẽ rất đúng.
[10] Bất đắc dĩ: cực chẳng đã.
[11] Nao: lo sợ.
[12] Tổ ấm: tổ là ông (tổ tiên cũng gọi là tổ), ấm là ơn huệ, quyền thế của ông cha để lại cho con cháu được nhờ.
[13] Trên thực tế, đúng là mèo không bắt chuột chù.
khuc cuoi qua hay