Há miệng chờ sung [Đại Lãn chờ sung]
Há miệng chờ sung [hay Đại Lãn chờ sung] là câu nói phê phán và đả kích những kẻ lười biếng không chịu làm ăn, chỉ luôn chực chờ hưởng lợi vào sự may mắn.
Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ
– Tục ngữ Việt Nam –
Xưa có một chàng mồ côi cha mẹ nhưng chẳng chịu học hành, làm lụng gì cả. Hàng ngày anh ta cứ nằm ngửa dưới gốc cây sung, há miệng thật to, chờ cho sung rụng vào thì ăn.
Nhưng đợi mãi mà chẳng qua sung nào rơi trúng miệng. Bao nhiêu quả đều rơi chệch ra ngoài.
Chợt có người đi qua đường, chàng lười gọi lại, nhờ nhặt sung bỏ hộ vào miệng. Không may, gặp phải một tay cũng lười. Hắn lấy hai ngón chân cặp quả sung, bỏ vào miệng cho chàng lười. Anh chàng bực lắm, gắt:
– Ôi chao! Người đâu mà lười thế!
Truyện cười dân gian Việt Nam
Nguồn: Tiếng Việt 2, tập 1, trang 109, NXB Giáo dục – 2011
Đại Lãn chờ sung
Theo một số nghiên cứu, thì Đại Lãn là tên nhân của vật trong câu chuyện, vì thế câu thành ngữ Há miệng chờ sung còn được gọi Đại Lãn chờ sung, đều cùng chỉ một nội dung giống nhau.
Qua thời gian, hai tiếng Đại Lãn đã trở thành khẩu ngữ của người Việt, để chỉ sự lười biếng (thường dùng để mắng người khác. Ví dụ: Đồ đại lãn!).
Những câu thành ngữ có nghĩa tương tự: Ăn sẵn nằm ngửa, Ôm cây đợi thỏ, Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng.
Ngoài ra, trong dân gian Việt Nam còn có câu: Há miệng chờ ho, ý muốn nói chờ một tai vạ sắp tới.
Ngày nay, vẫn còn có không ít những con người trong xã hội sống lười biếng, chực chờ ăn sẵn. Họ luôn chờ đợi phép màu may mắn sẽ đến với mình.
1 bình luận về “Há miệng chờ sung [Truyện cười dân gian Việt Nam]”