Truyện cổ tích Tấm Cám [Bản kể cũ]

[alert style=”danger”]

Truyện cổ tích Tấm Cám

Truyện cổ tích Tấm Cám là một truyện cổ tích thế sự vào loại tiêu biểu và đắc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Cũng như phần lớn các truyện cổ tích thế sự khác, Tấm Cám đề cao công lí, đồng thời là điều mong ước thiết tha nhất của nhân dân lao động thời xưa trong mối quan hệ xã hội là “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

Tấm là cô gái hiền lành, thật thà và chăm chỉ sẽ được hưởng hạnh phúc; mẹ con nhà Cám gian ác, hiểm độc phải bị trừng phạt thích đáng.

“Những loại bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương.”

– Truyện Kiều (Nguyễn Du) –

[/alert]

Ngày xưa, ở một gia đình kia có hai chị em cùng cha khác mẹ tên là Tấm và Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó ít năm cha Tấm cũng qua đời. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám.

Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi người một cái giỏ, sai đi xúc tép, ai xúc được nhiều thì được thưởng yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi xúc được đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám, vốn được mẹ nuông chiều, chỉ ham chơi nên chẳng xúc được gì cả. Sợ chị được yếm đỏ, Cảm bèn bảo chị:

“Chị Tấm ơi, chị Tấm
Đầu chị lấm
Chị hụp cho sâu [1]
Kẻo về mẹ mắng”.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Tấm nghe lời em hụp xuống thì Cám trút hết tôm tép của Tấm vào giỏ mình, rồi chạy về nhà.

Khi Tấm lên bờ, nhìn vào giỏi chỉ thấy giỏi không bèn bưng mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”

Tấm vừa khóc vừa kể lại sự tình. Bụt bảo xem lại giỏ xem có còn gì không. Tấm dòm lại giỏ thì quả nhiên thấy còn một con cá bống [2]. Bụt dặn đem về thả xuống giếng, mỗi bữa bớt một bát cơm đem cho Bống. Lúc nào cho Bỗng ăn thì gọi:

“Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm [3], cháo hoa [4] nhà người”.

Tấm về làm đúng theo lời Bụt dặn, mỗi bữa cơm bớt đúng một bát, giấu đi đem cho Bống. Mỗi lần nghe Tấm gọi, Bống lại ngoi lên mặt nước, ăn hết cơm rồi mới lặn xuống. Vì thế Bống lớn rất mau.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Mẹ con nhà Cám thấy sau bữa cơm nào Tấm cũng ra giếng bèn sinh nghi. Mụ dì ghẻ liền sai con đi rình. Cám ra giếng nấp rình, rồi về kể lại cho mẹ nghe.

Sáng hôm sau, mẹ Cám chợt bảo với Tấm:

“Con ơi, con!
Con đi chăn trâu thì đi đồng xa
Chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”.

Tấm vâng lời dì ghẻ cho trâu đi ăn đồng xa. Ở nhà, hai mẹ con Cám mang một bát cơm ra giếng, cũng gọi Bống như Tấm đã gọi. Bống nổi lên mặt nước thì hai mẹ con Cám vội vàng bắt lấy đem về làm thịt ăn, rồi vùi xương Bống vào trong đống tro bếp.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Đến chiều Tấm dắt trâu về, đem cơm ra gọi Bống thì không thấy Bống đâu nữa, mà chỉ thấy một cục máu nổi lên trên mặt giếng. Tấm bưng mặt khóc òa lên. Bụt lại hiện ra và hỏi: “Làm sao con khóc?” Tấm kể rõ chuyện. Bụt bảo: “Con về nhà nhặt xương Bống, kiếm bốn cái lọ bỏ xương vào, rồi đem chôn ở bốn chân giường con nằm.”

Về nhà, Tấm tìm mãi không thấy xương Bống đâu cả. Con gà đang kiếm ăn quanh nhà thấy bế bỗng kêu:

“Cục ta cục tác
Cho ta nắm thóc
Ta bới xương cho”.

Tấm bốc cho gà nắm thóc. Gà bới đống tro trong bếp tìm thấy xương Bống. Tấm nhặt lấy bỏ vào bốn cái lọ, đem chôn ở bốn chân giường.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Ít lâu sau, có tin nhà vua mở hội. Hai mẹ con Cám sắm sửa quần áo đẹp để đi xem. Đến đúng ngày hội, mụ dì ghẻ lấy một đấu thóc đem trộn với một đấu gạo, rồi bắt Tấm phải nhặt cho hết thóc mới được đi xem hội.

Hai mẹ con Cám dắt nhau đi rồi, Tấm tủi thân ngồi khóc huhu. Bụt lại hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”

Tấm kể lể nỗi khổ của mình, Bụt nghe xong bảo Tấm: “Để ta sai một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc giúp con”. Chỉ một lát sau đàn chim đã nhặt xong. Nhưng Tấm lại khóc. Bụt lại hỏi: “Làm sao con khóc?”. Tấm thưa: “Con không có quần áo đẹp để đi xem hội”. Bụt bảo: “Con đi đào những cái lọ đã chôn ngày trước ở bốn chân giường lên!”

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Tấm đào lên thì thấy bốn chiếc lọ chứa đầy quần áo đẹp, một đôi giày nhung thêu kim tuyến óng ảnh, lại có cả một con ngựa hồng yên cương [5] đủ bộ. Tấm thay bộ quần áo đẹp vào, rồi cưỡi ngựa đi xem hội, trông nàng xinh đẹp tuyệt trần.

Lúc đi qua một cái cầu, Tấm vô ý đánh rơi một chiếc giày xuống nước, không sao lấy lên được. Một lát sau, nhà vua cưỡi voi ra dự hội. Khi đi ngang qua cầu, voi bỗng đứng lại, rống ầm lên, không chịu đi nữa. Vua thấy sự lạ, sai lính thử lặn xuống nước mò xem thì thấy một chiếc giày đàn bà xinh xắn lạ thường.

Vua tần ngần ngắm nghía mãi chiếc giày, rồi truyền lệnh hễ trong đám đàn bà, con gái đi xem hội, ai ướm chân vừa chiếc giày thì được nhà vua lấy làm vợ.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Đàn bà, con gái trong hội lập tức chen nhau đến ướm thử. Cả mẹ con nhà Cám cũng đến ướm giày, nhưng không chân ai vừa cả. Tới lượt Tấm đến ướm, mụ dì ghẻ trông thấy liền bĩu môi nói rằng:

“Chuông khánh [6] còn chẳng ăn ai
Nữa là mảnh chĩnh mảnh chai bờ rào”.

Nhưng chân Tấm ướm vừa vặn như khuôn đúc. Chiếc giày mà quân lính nhà vua mò được dưới đáy nước với chiếc giày Tấm còn giữ trong tay vừa khéo một đôi tuyệt đẹp. Nhà vua cho đem kiệu rước ngay Tấm về cung.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà ăn giỗ. Mụ dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây cau, cắt lấy một chẽ cau [7] cúng bố. Lúc Tấm leo lên đến ngọn cây thì mụ ta chặt luôn gốc cây. Tấm thấy cây rung liền hỏi: “Dì làm gì ở dưới ấy thế?”, mụ bèn trả lời: “Dì đuổi kiến cho nó khỏi đốt con đấy mà!”.

Cây cau đổ, Tấm ngã lộn cổ xuống ao chết! Mẹ Cám lấy hết quần áo của Tấm mặc vào cho con, rồi đưa con gái vào cung làm vợ vua thay cho Tấm.

Tấm hóa thành chim vàng anh [8] cũng bay trở về cung vua. Thấy Cám đang phơi áo cho vua, chim bảo:

“Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Phơi lao phơi sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao”.

Vua nghe chim nói lấy làm lạ, bèn gọi:

“Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh
Chui vào tay áo.”

Vua vừa dứt lời, chim vàng anh chui tọt ngay vào tay áo vua. Vua bèn cho chim vào lồng sơn son thiết vàng [9], rồi suốt ngày đêm vui chơi với chim.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Cám thấy vậy, vội về mách mẹ. Mẹ Cám xui bắt chim làm thịt ăn. Cám nghe lời mẹ, sai lính giết chim ăn thịt, rồi vứt lông ra vườn. Chẳng bao lâu, lông chim hóa ra hai cây xoan đào, cành lá xum xuê, tươi tốt. Nhà vua thấy hai cây xon đào rất đẹp, liền sai mắc võng vào cây để nằm hóng mát suốt ngày. Cám lại về mạch mẹ. Mẹ Cám xui chặt hai cây xoan đào đi, lấy gỗ đóng khung cửi. Nhưng lúc ngồi dệt vải, Cám lại nghe thấy tiếng khung cửi rủa:

“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra.”

Cám lại về mách mẹ. Mẹ Cám xui đốt khung cửi đi, rồi đem tro đổ ra bờ đường. Cám về làm theo lời mẹ. Chẳng bao lâu, từ đống tro bên đường mọc lên một cây thị lớn chỉ có một quả rất to. Có bà lão bán hàng nước đi qua, thấy quả thị vừa to vừa đẹp bèn bảo:

“Thị ơi, thị!
Thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi
Chứ bà không ăn”.

Bà lão nói vừa dứt lời thì quả thị rụng ngay vào giữa bị, bà ta bèn đem về nhà. Từ đó, ngày nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, cơm nước đã dọn sẵn sàng, tươm tất, nên rất lấy làm ngạc nhiên.

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Một bữa, giả vờ đi chợ, đến nửa đường, bà quay về, rón rén nhòm qua khe cửa thì thấy một cô tiên rất xinh đẹp đang nấu nướng chuẩn bị bữa ăn. Bất thình lình, bà lão chạy xộc vào ôm chầm lấy cô tiên và nhặt chiếc vỏ thị ở xó buồng xé vụn ngay đi. Từ đo, hai người ở với nhau, thương yêu nhau như mẹ con.

Một hôm, vua đi qua, ghé vào chỗ ngồi nghỉ ở quán hàng nước của bà lão. Bà lão rót nước, mời trầu nhà vua. Thấy miếng trầu têm [10] cánh phượng rất khéo, giống hệt như miếng trầu Tấm têm ngày trước, vua bèn hỏi: “Trầu này ai têm mà khéo vậy? Có thể cho trẫm xem mặt được không?”.

Bà lão liền gọi Tấm ra. Vua vừa nhìn thấy, nhận ngay ra vợ mình và đón luôn Tấm về cung.

Về đến cung, Tấm kể rõ sự tình cho vua nghe. Vua tức giận sai người đem mẹ con Cám lên xử tội. Tấm thương cảm, xin vua tha cho họ. Thấy vợ mình hết lời khuyên xin, vua truyền chỉ đuổi mẹ con Cám ra khỏi cung. Vừa ra đến cổng thành, giông tố ập đến, mẹ con Cám bị sét đánh chết giữa đồng.[11]

Quý Thanh kể
Nguồn: Truyện đọc cấp 1, tập 4 – NXB Giáo dục 1988

[alert style=”danger”]

[button url=”https://truyendangian.com/bai-tho-co-tam-cua-me/” style=”danger” target=_blank]➤ Bài thơ được yêu thích: Cô Tấm của mẹ[/button]

[/alert]

Truyện cổ tích Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám

Chú thích trong truyện cổ tích Tấm Cám

[1] Hụp: ngụp đầu xuống nước; tự dìm mình xuống dưới mặt nước (trong lúc tắm ở ao, sông, hồ,…).

[2] Cá bống: loài cá nhỏ ở nước ngọt, mình tròn, thịt chắc.

[3] Cơm hẩm: cơm nấu bằng gạo đã biến màu, biến chất vì đã hư hỏng.

[4] Cháo hoa: cháo nấu toàn bằng gạo (không có thức gì khác như đậu xanh, đậu đen, thịt cá,…).

[5] Yên cương: yên là đồ đặt trên lưng ngựa để ngồi, cương là dây bằng da buộc vào ngựa để điều khiển ngựa.

[6] Chuông khánh: cái chuông và cái khánh là hai thứ nhạc cụ cổ bằng kim loại, đánh thành tiếng kêu trong và vang.

[7] Chẽ cau: nhanh của một buồng cau.

[8] Vàng anh: loài chim to bằng con sáo, lông vàng, hót hay (còn gọi là chim hoàng anh hay hoàng oanh).

[9] Sơn son thiếp vàng: chỉ đồ đạc được sơn màu đỏ, bên ngoài có dát vàng mỏng, trông óng ánh rất đẹp.

[10] Têm trầu: (trầu gồm miếng cau, lá trầu không, miếng vỏ cây và vôi đem nhai với nhau rồi nhả bã, theo thói quen ăn trầu và mời trầu tiếp khách ngày xưa. Xem thêm Sự tích trầu cau để hiểu hơn) khi têm trầu, người ta quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá.

[11] Để phù hợp với lứa tuổi độc giả, BBT TruyenDanGian.Com đã thay đổi một chút nội dung của đoạn kết.

[alert style=”danger”]

[button url=”https://truyendangian.com/truyen-co-tich/” style=”danger” target=_blank]➤ Khám phá thế giới cổ tích[/button]

[/alert]

1 bình luận về “Truyện cổ tích Tấm Cám [Bản kể cũ]”

Viết một bình luận