Viên gạch sợ lửa [Truyện ngắn Vũ Duy Thông]

Viên gạch sợ lửa [Truyện ngắn Vũ Duy Thông]

Viên gạch sợ lửa được nhà văn Vũ Duy Thông viết tặng cho con trai Duy Hưng, nhắc nhở chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Tặng con trai Duy Hưng

Đã lâu lắm rồi, chẳng ai nhớ nơi ấy là đâu nữa, có một cái lò nung gạch đứng giữa cánh đồng lúa, trông như một tòa thành cổ kính. Mỗi lần đốt lửa nung gạch, bụng nó lại đỏ rừng rực, sáng cả một vùng và khói trắng bay lên như chiếc mũ đội đầu, trông thật là đẹp. Đấy chính là nơi ra đời của chú Gạch Chỉ [1] trong câu chuyện này.

Họ hàng nhà gạch đông lắm, có đến mấy chục loại: Từ cô Gạch Hoa xinh đẹp, cô Gạch Men tính ưa sạch sẽ, đến bác Gạch Lá Nem to lớn mà mỏng manh. Ấy là chưa kể các anh Gạch Xi Măng rắn chắc, chú Gạch Chịu Nóng cứng như sắt, chuyên dùng xây các lò nấu thép. Nhưng kể ra đông đúc nhất vẫn là anh em chú Gạch Chỉ. Tuy nhỏ nhưng các chú dày dặn, bền chắc nên vẫn được dùng đặt móng, xây tường, có khi còn xây cả nhà máy nữa.

Muốn làm ra gạch chỉ, người ta phải chọn loại đất sét tốt, đánh tơi rồi đem ủ để đất thấm no nước, trở nên dẻo quánh mới mang ra đóng khuôn thành từng viên. Những viên gạch đóng xong được mang phơi khô, trước khi cho vào lò nung.

Chú Gạch Chỉ của chúng ta cũng được phơi như thế. Vừa ở khuôn ra, chú ngủ một mạch ba ngày liền trên một cái sân rộng, nắng chói chang. Khi tỉnh dậy, chú thấy mình đã rắn chắc lại, khỏe mạnh hẳn lên, tấm đệm bằng tro bếp êm ái cũng đã khô ráo.

Làm Gạch Chỉ khoái đấy chứ. Chỉ chịu khó chui qua khuôn một tí, chẳng vất vả gì, thế là đã thành ngay một chú gạch vuông vắn, xinh xắn. “Từ giờ trở đi đừng ai gọi mình là hòn đất nữa nhé!” – Gạch Chỉ kiêu hãnh tự nhủ. Nó trở mình mấy lần rồi nhỏm dậy nhảy lò cò quanh sân.

– Dậy thôi chứ! – Nó đập vào một chú gạch còn ướt.

– Khéo cậu làm tớ méo bây giờ! – Cậu bạn càu nhàu.

– Dậy đi chứ!

– Nhẹ tay thôi, kẻo em bị vỡ đấy! – Một chú khác sợ hãi đáp.

– Dậy thôi chứ!

Lần này, nó húc đầu vào một bác gạch màu đỏ sậm ở góc sân. Gạch Chỉ chỉ kịp kêu “ối!” rồi ngã lăn ra đất.

– Gớm quá! Cháu dám húc cả gạch nung già như bác nữa à?

– Cũng họ hàng ta mà sao bác cứng như đá thế? – Nó nhăn nhó hỏi.

– Cháu tưởng mình đã được đứng vào họ hàng nhà gạch à? Bây giờ cháu mới là gạch mộc thôi. Muốn làm gạch, phải được nung qua lửa. Ông Lửa sẽ dạy chúng ta cách chống nước thấm, chống mưa nắng. Sau đó, dù nằm dưới chân tường hàng trăm năm hay trèo lên tận đỉnh ống khói cao vút, nơi chỉ có các cô Mây và cô Gió qua lại, chúng ta vẫn khỏe mạnh, bền chắc.

– Bị nung trong lửa ạ, cháu sợ lắm!

– Không có gan chịu nóng, không dám theo học Ông Lửa thì mãi mãi cháu vẫn chỉ là hòn đất mang hình viên gạch thôi.

Nghe bác Gạch Già nói, Gạch Chỉ lo lắm. Nó nhảy về chỗ của mình, nằm im thin thít, chẳng dám nghĩ đến chuyện trêu trọc các bạn nữa. Thế rồi qua một đêm, sáng tinh mơ hôm sau nó bỗng thấy lò gạch nhộn nhịp hẳn lên. Các cô chú xã viên hợp tác xã đến rất đông, vừa trò chuyện với nhau vừa luôn tay xếp các bạn cùng lứa với Gạch Chỉ lên những chiếc xe kéo có lót rơm, kéo tuột chúng đến cửa lò. Các cô, các chú ấy chẳng biết nó khóc đến khô cả tiếng. Đến cửa lò, một bạn Bánh Than đen nhánh, hình dáng cũng hao hao như nó, đến đứng chen giữa bốn anh em Gạch Chỉ. Chưa kịp hiểu ra sao thì thoắt một cái, nó đã bị đưa vào bụng lò tối như bưng…

Gạch Chỉ cuống quít nhưng cửa lò đã bịt kín, chẳng còn lối nào trốn được. Vừa lúc ấy, nó nghe dưới đáy lò, Ông Lửa thở phì phò. Bụng lò đã sáng lên dần và nóng rất nhanh, người Gạch Chỉ khô rang, ngột ngạt đến tức thở. Chẳng bao lâu, Ông Lửa đã tới gần. Mặt ông đỏ như mặt trời, vươn ra hàng trăm cánh tay đỏ lừ, nhẹ nhàng vuốt ve từng viên gạch mộc [2]. Cậu Bánh Than đứng cạnh thấy Ông Lửa liền reo lên “Tách tách… Tách tách” rồi sáng rực. Gạch Chỉ thấy mình mềm nhũn ra, nó khóc lóc thảm thiết:

– Ông lửa ơi! Nóng quá!

– Đừng cựa mạnh, các cháu! Cựa mạnh bây giờ là dễ nứt lắm đấy.

– Ông Lửa ơi! Ông đừng nung cháu nữa.

– Gì thế hả? – Giọng Ông Lửa ồm ồm, hơi nóng ngùn ngụt – Dũng cảm lên nào, ông sẽ rèn luyện các cháu trở nên cứng rắn hơn.

– Cháu sợ lắm! Thôi, làm đất sét cũng được.

– Phù! Phù! Chú bé hèn nhát! – Ông Lửa tức giận. Ta sẽ không dạy cháu thêm điều gì nữa.

Nói xong, Ông Lửa cho những cánh tay sang hướng khác. “Thằng hèn nhát!”, “Thằng hèn nhát!”. Các viên gạch bên cạnh nó cùng kêu lên.

Ra khỏi lò được ít hôm, Gạch Chỉ cùng các bạn được đến một công trường lớn. Trên ô tô, các bạn của nó tha hồ nhảy nhót, reo lên ầm ầm thì Gạch Chỉ da dẻ vàng nhợt, cố nép mình vào thành xe. Chú thấy choáng váng mỗi lần xe qua ổ gà hay đoạn đường xóc.

Đến công trường, các chú được đưa xuống bên một bức tường xây dở. Ở đây, các cô công nhân quần áo xanh, khăn bịt tóc tung bay trong gió, tay mang bao bằng bạc chờ sẵn. Các cô liền đón các chú lên xe cút kít [3], đưa ngược lên giàn giáo [4].

Gạch Chỉ thích quá. Nó ngây người ra nhìn xung quanh. Chà những bức tường mới cao chứ, có đến hàng vạn viên gạch như chú đứng trên vai nhau, cứ thế mà leo lên mãi. Bốn phía xe ô tô, xe cần trục, xe ủi đang hăm hở làm việc. Phía xa, có những chiếc cột khổng lồ, đầu đội chiếc mũ bằng mây trắng như đang bay cuồn cuộn.

Mải ngắm cảnh, cho đến khi nó được một cô công nhân nhấc lên, Gạch Chỉ mới nhớ đến công việc. Mình sắp được trèo lên trên giàn giáo đây, lên đấy mà ngắm cảnh thì khoái thật. Bỗng “Bịch!”, cô công nhân ném Gạch Chỉ ra cạnh đống cát, cúi tìm viên khác. “Gạch non choẹt [5] thế này thì xây gì”, cô lẩm bẩm.

Gạch Chỉ đau điếng, nằm trên cát rất lâu, bụng lo sợ khi nghĩ đến chuyện mình sẽ phải nằm mãi dưới đất, có khi còn bị ném xuống hố cũng nên. Đến lúc các bạn của nó đi gần hết. Gạch Chỉ đành gượng dậy, gắng nhảy lên chỗ cao nhất, hồi hộp chờ đợi. Lần này, vẫn cô công nhân lúc nãy cầm hắn lên. Cô ngạc nhiên bảo bạn:

– Quái, viên gạch non [6] này tớ đã bỏ riêng ra, cậu nào lại nhặt vào thế?

Nói xong, cô lại ném Gạch Chỉ ra cạnh đống cát, chắng là chờ để các bạn của cô mang chú ta đi làm móng nền nhà.

Câu chuyện của chú Gạch Chỉ còn thêm một chút nữa. Đêm hôm đó, chú ta nằm cạnh bên đống cát khóc ướt đẫm cả mặt vì hối hận. Nếu Gạch Chỉ không nhút nhát mà chịu khó nung mình trong lửa nóng thì đã được cùng bạn bè đứng trên ống khói cao vút kia rồi.

May mắn là sáng hôm sau, có một đoàn các bạn nhỏ, cổ mang khăn đỏ, tới công trường thu dọn gạch giúp các cô chú công nhân. Các bạn ấy mang Gạch Chỉ đến một bãi đất bằng phẳng, xếp gọn lên, chờ các cô chú mang đi xây những bức tường trong nhà,không cần cứng lắm.

Bây giờ chú ta đã đứng ở một bức tường nào đó rồi và chắc đang gắng sức cùng các bạn giữ cho bức tường ấy thât bền, thật khỏe, phải không nào?

Câu chuyện Viên gạch sợ lửa – Truyện thiếu nhi hay cho bé
– Truyện ngắn Vũ Duy Thông –

– TruyenDanGian.Com –

Truyện ngắn Vũ Duy Thông (Tranh: Đỗ Hoàng Tường)
Truyện ngắn Vũ Duy Thông (Tranh: Đỗ Hoàng Tường)

Truyện ngắn Vũ Duy Thông dành cho thiếu nhi

Vũ Duy Thông là một nhà báo, nhà thơ nổi tiếng thời chống Mỹ. Thỉnh thoảng ông cũng viết truyện dành cho thiếu nhi. Truyện ngắn Vũ Duy Thông thường mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, qua đó giúp các bạn nhỏ trưởng thành hơn trong cuộc sống.

TruyenDanGian.Com đã sưu tầm và chọn lọc những câu chuyện hay nhất của ông, như một món quà ý nghĩa giới thiệu đến các độc giả nhỏ tuổi.

Chú thích trong câu chuyện Viên gạch sợ lửa

  1. Gạch chỉ: gạch có bề mặt hình chữ nhật, thường dùng để xây tường.
  2. Gạch mộc: gạch ở trạng thái thô sơ, đã đóng khuôn và chưa nung.
  3. Xe cút kít: xe thô sơ do người đẩy, có một bánh gỗ và hai càng, khi chạy thường có tiếng kêu cút kít, dùng để chuyên chở vật nặng ở nơi đường đi không thuận tiện.
  4. Giàn giáo: giàn làm chỗ cho công nhân xây dựng đứng làm việc trên cao hoặc để chống đỡ bên dưới cốp pha.
  5. Non choẹt: còn quá non trẻ, chưa từng trải (hàm ý coi thường).
  6. Gạch non: gạch nung chưa kỹ nên màu còn đỏ nhạt.
Truyện thiếu nhi cho bé
Truyện thiếu nhi cho bé

Những câu chuyện hay nhất dành cho thiếu nhi

Ngoài câu chuyện Viên gạch sợ lửa kể trên, TruyenDanGian.Com còn giới thiệu đến các bạn những câu chuyện chọn lọc dành cho thiếu nhi với nhiều bài học vô cùng ý nghĩa, góp phần nuôi dưỡng sự trong sáng và hình thành những đức tính cao đẹp trong tâm hồn các con.

Viết một bình luận