[alert style=”danger”]
Võ Tòng đánh hổ
Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương là một trong những chương nổi tiếng nhất của bộ tiểu thuyết “Thủy Hử” nổi tiếng Trung Quốc rất được yêu thích và được truyện tụng trong dân gian như một điển tích.
Võ Tòng ngoại hiệu là Hành giả, có võ nghệ cao cường, được xếp thứ 14 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Đoạn trích nói về tài năng và lòng dũng cảm của chàng tráng sĩ dù gặp nguy hiểm vẫn không nhụt chí, tự tin ở sức mạnh và đã đấm chết hổ.
[/alert]
Võ Tòng đi phăng phăng qua gần năm [1] dặm thì đến chân đồi. Bỗng chàng thấy một thân cây lớn bị mất một khoảnh vỏ, lộ ra một đám trắng có viết mấy hàng chữ. Tới gần, ngửa mặt xem, thấy như sau:
“Gần đây, trên đồi Cảnh Dương này xuất hiện một con cọp rất lớn, nó đã ăn thịt nhiều người. Vậy hành khách ai qua đây cũng nên chờ tập hợp đông đảo và chỉ có thể qua đồi vào ba giờ Tị, Ngọ, Mùi [2]. Xin chớ quên mà uổng mạng”.
Võ Tòng cười, nói một mình:
– Đúng là mưu mẹo của tay chủ quán để giữ khách ở lại trọ đêm đây mà! Hắn lòe ai thì lòe, chứ ta có sợ cái cóc khô đây này!
Nói rồi cầm ngang cây côn, phăng phăng lên dốc đồi. Lúc ấy đã giờ Thân, vầng mặt trời đỏ thẫm đang từ từ hạ xuống đỉnh núi phía Tây. Võ Tòng nhân sẵn hứng rượu, cứ thêm một dấn bước lên sườn đồi thoai thoải… Lên được nửa dặm thì thấy một cái miếu thờ thần núi đã sứt lở, thủng nát. Bước đến gần, thấy trước cửa miếu có dán một tờ bảng văn, ấn so in rờ rỡ. Chàng dừng lại đọc:
“Huyện Đường [3] Dương Cốc yết thị: Trên đồi Cảnh Dương này vừa mới có con cọp lớn xuất hiện, hại mạng nhiều người. Hiện bản huyện đang truyền lý dịch các làng cùng thợ săn, thợ bẫy phải bắt thú dữ, mà chưa được. Vậy phàm khách thương [4] đến đây chỉ nên qua đồi vào ba giờ Tị, Ngọ, Mùi và phải kết toán họp bạn cho đông đảo mới được. Ngoài ra, suốt chín giờ khác, ai đi một mình, thì chớ có qua đồi mà nguy. Nay yết thị để mọi người rõ”.
Võ Tòng đọc hết, lại thấy ấn tín [5] đóng rành rành bấy giờ mới tin là đồi có cọp dữ thật! Chàng đã toan quay trở lại quán trọ, nhưng ngẫm nghĩ một lúc, bỗng chàng tặc lưỡi nói:
– Chà, sợ quái gì! Cứ lên thẳng lưng đồi xem nào.
Chàng bèn mạnh bước tiến lên, dần dần men rượu bốc nồng nực, chàng trật cái nón dạ xuống sau gáy cho mát, cắp cây côn vào nách mà lên dốc đồi. Quay đầu nhìn về Tây, thì mặt trời đã lặn xuống, chỉ còn lóe lên những tia rẻ quạt. Bấy giờ là tháng mười, đêm dài ngày ngắn, chẳng mấy chốc mà tối. Chàng lẩm bẩm một mình:
– Hùm cọp ở đâu? Không khéo người lại nhát người, sợ bóng sợ vía, rồi chẳng ai dám lên đồi cũng nên!…
Đi phăng phăng một thôi nữa thì sức rượu bốc mạnh, nồng nực quá. Võ Tòng một tay cắp côn, một tay lần ngực áo, cởi phanh ra cho mát, rồi rảo bước thoăn thoắt, tiến đại qua chỗ lối hẹp, cây mọc lan man… Thấy một khối đá xanh to lớn nhẵn bóng, chàng bèn dựng cây côn ở bên, ngả mình nằm nhoài lên đấy. Rượu say, gió mát, chàng đang lim dim cặp mát, toan đánh một giấc… thì bỗng giật mình nghe tiếng rào rào: Một cơn gió rất mạnh, ghê người.
Trận gió ấy lướt qua chỗ Võ Tòng, sực mùi hôi hám, rồi nghe phía sau có tiếng nhảy vọt đánh “sầm!” lá rụng, lau khô xào xạc… Võ Tòng hoảng hốt quay lại nhìn, thì…. Trời ơi! Một con hổ to như con trâu, mắt lồi trán trắng, xuất hiện lồ lộ đó! Chàng kêu lên một tiếng “Ôi chao!”.
Và tức khắc nhảy phắt xuống đất, chụp vội cây côn cầm chắc, đứng nép bên phiến đá thủ thân. Con hổ quắc mắt nhìn người… Nó có vẻ đang đói thịt, khát máu, ẩn ngay hai bàn chân trước cào xuống đất, thu mình lấy đà, rồi nhảy tung một cái lên cao. Chưa đầy nháy mắt đã chồm xuống đúng chỗ Võ Tòng đứng. Nhưng lẹ như chớp, chàng vụt tránh và kịp thời chuyển mình về phía sau con ác thú.
Bị vồ một cái khủng khiếp quá, mồ hôi lạnh toát ra như tắm, men rượu biến đâu mất cả, chàng tỉnh táo hẳn người. Giống cọp vốn ngắn cổ, rất khó ngoái nhìn về sau, nên vừa chổm hụt mồi, nó quay ngay mình, cắm hai bàn vuốt sau xuống đất, tung mình chồm tới để cào cho lòi ruột! Nhưng Võ Tòng cũng né tránh kịp. Ác thú cào hụt, rống lên một tiếng như sét nổ sấm ran, rung chuyển cả đồi núi.
Và lập tức nó dựng ngược cái đuôi, cứng như cây gậy sắt vẽ khoanh, quật xuống đất đánh “phịch” mà chồm tới “tát” mồi. Kể thì dài lời, nhưng việc thì chớp nhoáng, và Võ Tòng cũng kịp thời tránh thoát. Số là con cọp ấy bắt người đã “thạo nghề” lắm. Trước đó, giết người nào đó nó cũng chỉ vồ một cái là được. Vồ hụt thì cào liền một cái cũng lòi ruột. Cào hụt đi nữa, thì đến cái tát ngang là nạn nhân phải ngã vật ra, chết hộc máu. Bây giờ nó dùng luôn ba “đòn” đều hụt cả thì khí hung hăng đã giảm mất một nửa. Nó lại rống lên tiếng gầm vang trời, rồi chuyển mình quay lại.
Võ Tòng lẹ mắt, thoáng thấy ác thú trở mình liền hai tay nắm chặt cây côn giơ lên, vận chuyển hết gân sức bình sinh, vừa vặn đầu sọ nó quay lại, chàng gập người, vụt xuống một con như trời giáng. Tức thì nghe đánh “bốp!”. Tiếp theo là những tiếng “rắc, rắc, rắc,…rào, rào, rào”… Thì ra cây côn đập phải một cành cây, cành gãy, nhánh khô lẫn lá tươi rớt gục xuống đất. Chàng vội nắm chặt khúc côn còn lại, nép mình thủ thế.
Con hổ lại rống lên khủng khiếp: “Á á a…uô…uôm!”. Nó phát điên, hung dữ chồm tới cái nữa. Nhưng Võ Tòng lại nhảy lùi mươi bước, tránh thoát. Và vừa vặn hai bàn chân trước của ác thú cắm xuống đất, trước mặt chàng. Lập tức chàng buông khúc côn, nhanh như chớp, hai tay chộp vững đầu nó, ấn ghì xuống đất. Chàng đu mình lên lấy sức nặng, ấn hết sức mạnh cho miệng cọp lún xuống.
Con hổ thất thế, cố vùng vẫy để nhoi đầu lên, nhưng “con mồi” của nó đâu có nhẹ cân! Cả thân mình chàng nặng như phiến đá, cứng như khổi thép, lại lấy hết gân xuống tấn như núi đè, nhất định nắm chặt, ấn mạnh! Ác thú sặc đất cát, gầm gào không ra hơi, nhưng vùng vẫy còn mạnh quá. Võ Tòng phải co một chân, đá lia lịa vào mắt nó. Bị bàn chân sắt nguội chọc lòi mắt, nó gào lên khủng khiếp, bốn bàn móng nhọn sắc như mấy chục mũi dao quắm [7], cứ cào xuống đất đồi hùng hục. Chốc lát, mặt đất bị ác thú đào sâu xuống thành cái rãnh dài, đất vàng bên dưới bị móc tung lên, đắp thành đống hai bên lù lù.
Võ Tòng được thế lợi, lại ấn mạnh mồm nó xuống rãnh ấy, rồi tay trái vẫn ghì chặt cổ hùm, tay mặt giơ lên, nắm lại như quả đồng sắt, cứ nhè đầu, nhè tai nó mà giáng xuống như giã giò! Chàng thoi luôn một hơi sáu bảy chục đấm, thì thấy cọp ứa máu ra mồm, ra mũi, ra mắt, ra tai…đỏ lòm lòm. Tay trái chàng nhẹ dần đi, rồi thấy ác thú nằm im, hết cào hết cựa. Chỉ hai lỗ mùi, hình như còn chút hơi tàn. Chàng bèn buông tay, chạy tới gốc tùng, vớ khúc côn gãy, sợ cọp chưa chết hẳn chàng quay lại đập những nhát côn thật chắc vào sọ nó, nghe chan chát, bôm bốp một hồi nữa. Tới khi thấy nó thật hết thở, chàng mới quăng khúc côn, vừa thở hổn hển vừa nghĩ bụng:
– Mình thử vác xác con vật này xuống đồi xem sao!
Nghĩ rồi bước tới chỗ vũng máu, đưa hai tay xốc lấy xác cọp nhưng không sao vác nổi. Thì ra, vì chàng dùng sức quá mạnh, giết được cọp thì người cũng mỏi nhừ, chân tay gần như rời rã. Chàng trở lại phiến đá xanh ngồi, vừa thở mệt vừa nghĩ thầm:
– Trời tối mịt rồi, rủi còn con nữa nhảy ra thì mình đến chết, chứ còn sức đâu mà chống nổi! Vậy phải cố mà lết xuống dốc đồi, tìm chỗ nghỉ ngơi, sáng mai sẽ liệu.
Chàng bèn đứng dậy, tìm cái nón dạ, đội lên đầu, rồi đeo chiếc đãy, bước qua đám cây cối hỗn loạn, tiến ra sườn đồi, lần bước trở xuống. Đi xuống chưa đầy nửa dặm, bỗng chàng giật mình đánh thót. Từ đám cỏ lau trước mặt, lại thấy hai con hổ nhô ra, vằn đen, đốm vàng lồ lộ! Chàng kêu lên:
– Ôi chao! Lần này thì đành chết!
Dứt tiếng kêu, chợt chàng thấy hai con hổ đang bò trường bỗng…đứng dựng thẳng hai chân sau lên như người. Võ Tòng cố nheo mắt định thần nhìn kĩ. Và chàng thở dài một cái hoàn hồn! Thì ra đó là hai người đội lốt cọp trên mình, tay thì cầm chĩa năm cạnh lăm lăm. Trông thấy Võ Tòng hai người họ cũng kêu lên:
– Ủa! Trời ơi! – Anh kia ! Anh… anh… là ai? Anh… Anh đã nuốt tim thuồng luồng [8], ăn gan cá sấu, đã uống mật beo, nhai đùi sư tử rồi hay sao, mà một mình đơn độc trời tối như mực, tay không khí giới… dám đi qua đồi!… Hay anh không phải là người? Anh là… ma phải không?
Võ Tòng hỏi lại:
– Hai ông là ai? Hãy cho tôi biết đã!
Một người nói:
– Chúng tôi là thợ săn vùng này đang nằm phục ở đây cùng hợp sức với vài chục trai tráng địa phương bổ vây giết cọp. Thấy ông phăng phăng từ trên đồi đi xuống, chúng tôi giật mình sởn gáy, không hiểu người hay ma hiện hình. Nếu là người, sao lại thoát được nanh vuốt con ác thú ấy?
Võ Tòng đáp:
– Tôi người bên huyện Thanh Hà, họ Võ tên Tòng, con thứ hai. Vừa nãy, đi qua chỗ cây thưa trong rừng bỗng đụng con cọp lớn nhảy ra vồ. Tôi lẹ tay túm được đầu nó và đấm chết nó rồi.
Hai người thợ săn cứ ngẩn mặt ra, không tin. Một người nói:
– Sợ ông nói chơi! Đâu có chuyện lạ lùng ấy!
– Không tin, cứ trông những vết máu cọp trên mình tôi đây này!
Hai người kia trố mắt, há mồm:
– Làm sao ông đánh được nó?
Võ Tòng kể lại sự việc đánh hổ từ đầu chí cuối. Hai người thợ săn vừa mừng vừa sợ, quay đầu cất tiếng gọi những người đi cùng. Chốc lát, thấy mười mấy người từ bóng tối xuất hiện, kẻ cầm cung nỏ, người vác đinh ba, đao to, giáo dài… rầm rập chạy tới tụ họp. Sau khi nghe Võ Tòng kể lại một lần nữa chuyện giết hổ, họ đánh lửa lên, đốt sáu bảy bó đuốc sáng choang, theo gót Võ Tòng cùng lên đỉnh đồi. Đến chỗ nọ, quả thấy con hổ to tướng, dài ườn, nằm chết đứ đừ ra đó. Đoàn người mừng rỡ vô cùng; sáu bảy người trai tráng xúm vào trói tròn xác hổ lại, lồng đòn khiêng xuống dốc, đưa thẳng về làng.
Dân làng đổ đến xem, mừng mừng rỡ rỡ, hết lời khen ngợi và cảm ơn tráng sĩ họ Võ, ân cần mời mọc ăn uống, tặng vàng lụa gấm vóc. Quan huyện Dương Cốc mời chàng đến huyện đường, khen ngợi và tặng thưởng, lại giữ chàng ở lại làm chức Bộ binh đô đầu [9] trông coi binh lính trong huyện, lo việc trị an.
Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương – Trích tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc “Thủy Hử” của Thi Nại Am
– TruyenDanGian.Com –
Chú thích trong truyện Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương
- Dặm: bằng 100 trượng tức là 400m.
- Tị, ngọ, mùi, thân: tên các giờ trong một ngày tính theo ngày xưa: là từ 9h sáng đến 5h chiều.
- Huyện Dương: nơi quan tri huyện làm việc.
- Khách thương: người qua lại buôn bán.
- ấn tín: con dấu khắc bằng đồng tượng trưng cho quyền hành mỗi cấp cai trị.
- Định thần: lấy lại tinh thần cho mình được tỉnh táo.
- Dao quắm: dao có móc ở đầu.
- Thuồng luồng: thuộc loại rắn, to, dài và dữ, ở dưới sống lớn vực sâu.
- Bộ binh đô đầu: Đô đầu là chức quan võ trông coi binh lính trong phủ, huyện, đây là trông coi lính bộ, còn lĩnh cưỡi ngựa gọi là kị binh.
[alert style=”danger”]
[button url=”https://truyendangian.com/truyen-thieu-nhi/” style=”danger” target=_blank]➤ Kho tàng truyện thiếu nhi[/button]
[/alert]