Sự tích con Bọ Hung [Truyện cổ tích Việt Nam]

Truyện sự tích con Bọ Bung

Sự tích con Bọ Hung là truyện cổ tích Việt Nam, giải thích nguồn gốc công việc hàng ngày của con Bọ Hung ngày nay – hình phạt cho tật hay quên của mình.

1. Nhà trời ban lệnh

Ngày xưa trời ở thấp lắm, thấp đến mức người trần gian giơ chày lên giã gạo cũng chạm vào bụng.

Người trần gian lại ngày một ngày đông, sáng tinh mơ đã thi nhau giã gạo, có khi đâm vào bụng trời ngay cả lúc trời còn đang say sưa trong giấc ngủ. Vào những ngày Tết nhất, đến khuya người ta vẫn còn giã gạo, trời buồn ngủ lắm mà bụng vẫn cứ bị những nhát chày thúc vào đau điếng.

Nhà trời tức lắm, nhưng không biết nên làm thế nào, bèn ra lệnh cho trần gian bớt ăn đi, may ra mới có thể yên thân được. Thế là nhà trời gọi Bọ Hung đến để truyền đi xuống trần gian.

– Ngươi hãy xuống truyền lệnh cho người trần gian rằng: Từ nay trở đi, ba ngày mới được ăn một bữa, mỗi bữa chỉ được ăn ba lưng.

Bọ Hung vốn đãng trí, nói trước quên sau. Đi bao nhiêu lần mà vẫn truyền sai lệnh, bị nhà trời quở phạt. Nhưng được cái tính ngoan ngoãn, hễ nhà trời sai thì làm ngay. Lần này Bọ Hung nhất quyết không truyền sai lệnh nữa. Nên vừa ra khỏi cửa, luôn mồm lẩm bẩm:

– Ba ngày ăn một bữa, mỗi bữa ba lưng…

2. Tĩnh đáng trí và truyện sự tích con Bọ Hung

Bọ Hung cứ thế mà đi từ trên trời xuống trần gian. Một chàng nông dân đi cấy, thấy Bọ Hung lẩm bẩm cái gì đấy liền lắng tai nghe. Rồi anh ta nấp vào sau một bụi cây, khi Bọ Hung đi qua liền hét lên một tiếng để trêu. Bọ Hung giật bắn người lên và quên khuấy những lời mình đang nói. Tức mình, Bọ Hung quay lại, định cãi nhau với anh kia, nhưng…trước hết, phải nhớ xem mình đang nói gì đã. Nghĩ mãi không ra, anh kia bèn nhắc:

– Có gì đâu, mày đang nói : “Một ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt không kể”.

Bọ Hung mừng rối rít, quên cả việc định đôi co với anh chàng kia và cứ tiếp tục đi. Vừa đi miệng lại vừa lẩm bẩm:

– Ngày ăn ba bữa, còn ăn vặt không kể …

Nghe nói có Bọ Hung mang lệnh nhà trời xuống, vua tôi trần gian và cả một đám đông cận thần ra nghênh đón để nhận chiếu chỉ. Khi nghe Bọ Hung nói:

– Ngày ăn ba bữa …

Vua tôi trần gian nghe hoảng quá, ăn nhiều như vậy thì làm bao nhiêu cho đủ. Trước ăn mỗi ngày có hai bữa đã phải giã gạo làm trời mất ngủ, kỳ này chắc nhà trời càng quở trách ta đây.

Bọ Hung truyền lệnh xong liền trở lại về trời. Nhà trời thấy từ ngày truyền lệnh cho người trần gian ăn ít đi, mà sao lại giã gạo nhiều hơn trước. Lấy làm lạ, trời bèn triệu vua trần gian lên hỏi nguyên do.

Vua trần gian kể lại khi nhận lệnh các quần thần đều đến đông đủ để nghe chiếu chỉ của nhà trời do Bọ Hung truyền xuống là phải ăn nhiều hơn trước. Bấy giờ nhà trời mới vỡ lẽ việc Bọ Hung truyền sai lệnh.

Trời tức quá, gọi Bọ Hung đến và đánh cho một trận. Sau đó, cắm cái xẻng vào đầu, đẩy đi làm nghề xúc phân. Từ đó, Bọ Hung phải đi hót phân không kể đêm ngày. Và câu chuyện sự tích con Bọ Hung được bắt nguồn từ đấy.

Lệnh đã truyền đi, không thu lại được nữa, dân chúng hạ giới ngày đêm giã gạo không ngơi tay. Nhà trời mất ăn mất ngủ liên miên, đành phải chuyển lên thật cao, để con người không còn có thể chạm tới được nữa.

Truyện sự tích con Bọ Hung
– TruyenDanGian.Com –

Truyện sự tích con Bọ Hung
Truyện sự tích con Bọ Hung

Giới thiệu về loài vật trong truyện sự tích con Bọ Hung

Bọ Hung có tên tiếng Anh là dor-beetle hoặc dung-beetle là một nhóm các loài bọ cánh cứng thuộc họ Scarabaeoidea, bộ Bọ cánh cứng.

1. Hình dáng, cấu tạo

Cũng giống như cái loài côn trùng khác, cơ thể Bọ Hung chia làm 3 phần: đầu, ngực, bụng. Đầu có cặp râu và cái sừng cứng chắc, dùng để tự vệ và phô trương trước bạn khác giới. Ngực gắn sáu cái chân và đôi cánh cứng tựa như chiếc áo chống đạn, che kín cả phần trên của ngực và bụng.

Thân hình con Bọ Hung thô thiển, đầu dạng cái mai, chân trước dạng cái xẻng và đầu nhọn hơi cong. Hình dạng thân hình đó hết sức thích hợp cho công việc của chúng và không phải dùng hết sức lực.

Loài Bọ Hung có một sức mạnh phi thường, chúng có khả năng nâng được nặng gấp 8 lần trọng lượng cơ thể. Nếu chúng có kích thước như con người thì việc nâng một chiếc xe tăng chỉ là việc rất dễ dàng.

2. Sinh sản của Bọ Hung

Vào mùa sinh sảnh, Bọ Hung thường bay đi bay lại là là trên mặt đất để tìm đống phân tươi. Khi phát hiện ra một đống phân, chúng liền hạ xuống, lấy đầu tựa như cái xẻng và chân trước xúc phân ướt và đất ướt gộp lại với nhau rồi ve thành viên bi đẩy về phía trước. Viên phân càng lăn càng lớn. Khi đẩy, thường thì con đực ở phía trước và lấy chân sau đẩy viên phân về phía sau theo kiểu bò lùi lại; còn con cái bám ở phía bên cục phân, để mặc cho con đực hoàn thành công việc.

Sau khi đã chọn được địa điểm thích hợp, chúng dừng lại, đào đất chỗ dưới viên phân, tạo thành một cái lỗ và lấp viên phân lại. Sau đó, con cái sẽ đào một cái lỗ trên viên phân, đẻ trứng vào đó, rồi cẩn thận lấp lớp đất dày sao cho cuối cùng bằng với mặt đất mới thôi. Tiếp đó chúng lại vội vàng làm viên phân thứ hai ở chỗ khác để đẻ trứng. Những viên phân chính là chất dinh dưỡng chuẩn bị cho con non sắp ra đời.

Người đã tính được, một đôi Bọ Hung chỉ cần 30 giờ đã có thể vần đi được 1000 milimet khối phân tươi vùi xuống. Vì thế, chúng là động vật rất có ích trong việc bảo vệ mội trường.

Bọ Hung đẻ ra ấu trùng, một thời gian sau chúng chuyển hóa thành nhộng rồi biến thành Bọ Hung.

1 bình luận về “Sự tích con Bọ Hung [Truyện cổ tích Việt Nam]”

Viết một bình luận