Truyện Thánh Gióng
Truyện Thánh Gióng hay còn gọi truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương ca ngợi tinh thần chống giặc ngoại xâm và giải thích một số dấu tích cổ xưa còn để lại.
Cậu bé kỳ lạ
Ngày xửa ngày xưa, vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân tràn vào xâm chiếm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh như chẻ tre, hung bạo và tàn ác vô cùng. Chúng đi đến đâu cũng chém giết, cướp bóc và đốt phá làng mạc. Hùng Vương lấy làm lo lắng, sai sứ giả[1] đi khắp đất nơi để tìm người tài giỏi ra phò vua đánh giặc cứu nước.
Thuở ấy, ở Kẻ Dổng, thuộc bộ Vũ Ninh, có một người đàn bà đã lớn tuổi, trong một lần đi làm đồng bà nhìn thấy dấu chân rất to bèn đưa chân mình vào ướm thử. Từ đó tự nhiên bà thụ thai. Sau kỳ thai nghén, bà sinh ra được một cậu con trai, nhìn rất trông rất thông minh và kháu khỉnh. Bà đặt tên con là Gióng.
Nhưng lạ thay, cậu bé đã lên ba rồi mà chẳng biết nói, biết cười. Đặt đâu cũng chỉ nằm trơ trơ đấy khiến bà mẹ rất lo lắng.
Một hôm, người mẹ đang chơi với con thì nghe thấy tiếng loa của sứ giả:
Loa truyền, loa truyền
Làng Thượng, làng Hạ
Ai người gan dạ
Lãnh đạo ba quân
Đánh đuổi giặc Ân
Bình yên đất nước.
Loa loa loa loa…
Mẹ Gióng nhìn con, nói đùa:
– Con ơi, lớn nhanh lên còn đi đánh giặc giúp nước.
Tự nhiên, cậu bé Gióng bỗng ngồi dậy, bảo mẹ:
– Mẹ ơi! Nhờ mẹ ra mời sứ giả vào đây giúp con!
Thấy con ngồi dậy, ăn nói dõng dạc, bà mẹ hết sức ngạc nhiên, vui mừng nhưng cũng hơi thấy hoảng sợ không nói lên lời. Gióng phải giục mẹ mấy lần, bà mới bình tĩnh trở lại. Không suy nghĩ nhiều, bà liện chạy ngay đầu làng ra đón sứ giả.
Sứ giả vào nhà, chỉ thấy một cậu bé, toan mắng mẹ Gióng rồi trở ra, thì bất ngờ Gióng nói:
– Phiền quan Sứ hãy mau mau về xin nhà vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt, một áo giáp sắt[2] và một nón sắt để ta đi đánh giặc.
Cũng như mẹ Gióng, sứ giả hết sức kinh ngạc khi thấy một cậu bé mới chỉ lên ba mà ăn nói dõng dạc như vậy. Cho là thần nhân giáng thế, liền phi ngựa suốt ngày đêm về triều trình báo.
Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương
Từ khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi[3]. Cơm ăn mấy cũng không no, áo may chỉ mặc mấy hôm đã chật. Mẹ Gióng vét hết thóc gạo trong nhà, hái hết cà ngoài vườn muối cho Gióng ăn cũng không đủ. Hàng xóm xung quanh thấy vậy, liền góp gạo vào để cùng nuôi Gióng.
Trong khi ấy, nhà vua chọn những thợ rèn giỏi nhất, ngày đêm không nghỉ đúc ngựa, rèn roi, nón và áo giáp sắt cho Gióng. Chẳng bao lâu, mọi thứ đã hoàn thiện. Quân lính được lệnh hò nhau kéo ngựa sắt, khiêng roi, nón và áo giáp đến. Dân làng cũng bày một bữa tiệc gồm bảy nong cơm, ba nong cà muối tiễn Gióng ra trận. Gióng cảm ơn làng xóm, ngồi ăn loáng một cái đã hết.
Ăn xong, Gióng ra sân, vươn vai một cái, người hóa cao lớn lạ thường trước sự kinh ngạc của quân lính và hàng xóm.
3.Gióng mặc áo giáp, đội nón sắt, cầm roi sắt, rồi từ biệt mẹ già cùng hàng xóm, nhảy phốc lên ngựa. Ngựa sắt chồm lên phun lửa, hí một tiếng dài vang động đất trời. Người và ngựa lao vút như bay xông thẳng ra trận.
Chẳng cần nói gì, Gióng thúc ngựa xông vào giữa đám giặc.
Roi sắt vung lên như ánh chớp quất xuống đầu quân giặc, ngựa sắt phun lửa sáng rực góc trời thiêu đốt kẻ thủ, chúng kêu gào tháo chạy, chết như ngả rạ[4].
Gióng thúc ngựa truy đuổi, cầm roi sắt quật vào đám giặc. Chẳng may roi bị gãy thế là Gióng tiện tay nhổ luôn những bụi tre bên đường làm vũ khí.
Giặc Ân thấy vậy càng thêm kinh hãi, mất hết cả nhuệ khí. Chúng giẫm đạp lên nhau tháo chạy, tìm đường trốn về phương Bắc.
Phá xong giặc, Gióng phi ngựa đến núi Sóc Sơn, ghìm cương, quay lại nhìn bốn phía quê hương đất nước. Xuống ngựa vái tạ[5] mẹ già, rồi sau đó cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Thánh Gióng ở làng quê, phong cho ông làm Phù Đổng Thiên Vương.
Ngày nay chúng ta còn thấy vẫn còn những dấu tích cổ xưa Thánh Gióng để lại như dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre bị Gióng nhổ lên và ngựa phun lửa táp vào đã ngả sang màu vàng được gọi là tre đằng ngà.
Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh được nhân dân ta suy tôn là Tứ bất tử. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
Truyện Thánh Gióng (Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương)
– TruyenDanGian.Com-
Nghe kể chuyện “Thánh Gióng”
Nếu muốn, bạn có thể lắng nghe câu chuyện “Thánh Gióng” qua kênh YouTube chính thức của TheGioiCoTich.Vn.
Chú thích trong truyện truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương
- Sứ giả: ở truyện này là người được nhà vua phái đi truyền lệnh trong nhân dân.
- Áo giáp sắt: áo đúc bằng sắt, mặc vào khi ra trận để chống mũi tân, hòn đạn.
- Lớn nhanh như thổi: lớn nhanh khác thường như có ai thổi phồng to lên.
- Chết như ngả rạ: chết nhiều như cọng ra phơi ngoài đồng sau khi gặt lúa.
- Vái tạ: lạy và cảm ơn (mẹ đã nuôi mình khôn lớn).
Câu hỏi gợi ý trong truyện Thánh Gióng
- Khi giặc xâm lược nước ta, vua làm gì? Nghe thấy tiếng loa của sứ giả kêu gọi, Gióng nói thế nào?
- Để Gióng có sức khỏe đi đánh giặc, dân làng đã nuôi cậu như thế nào? Nhà vua đã làm những gì để chuẩn bị cho Gióng đi đánh giặc?
- Thánh Gióng đã phá tan quân giặc như thế nào? Sau khi phá xong giặc, Thánh Gióng đã làm gì?
Truyện hay quá
cu cha chua hay quá ta
min là tên tôi tự đặt nha và chuyện hay quá xá tui muốn mê luôn
truyen hay qua